Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Quế Phong - Cảnh quang hùng vĩ cùng thác bảy tầng, thác Sao Va và làng Thái Cổ

Nếu đã đến với Quế Phong, bạn đừng bỏ dở thác 7 tầng, thác Sao Va và làng Thái Cổ ở Xã Hạnh Dịch, nằm chung trên một cung đường, ngay lối vào Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Quế Phong là huyện có đường biên giới dài nhất tỉnh Nghệ An tiếp giáp với nước Lào, nằm ở vị trí ngã 3 giữa tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và những dãy núi liên tiếp vùng biên giới Lào. Tuy đây là một trong những huyện miền núi có nền kinh tế khó khăn của nước ta, nhưng thiên nhiên cũng không quá bất công khi đặt để nơi đây những danh lam thắng cảnh làm say lòng du khách.

Thác 7 tầng, bản Thái Cổ Hua Mương, thác Sao Va, đền Chín gian, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, lòng hồ thủy điện Hủa Na… là những nơi nhất định phải đến khi ghé Quế Phong, tỉnh miền Tây của Nghệ An quê Bác.

Sơ đồ du lịch huyện Quế Phong

1. THÁC 7 TẦNG

Từ khi đường Hồ Chí Minh xây dựng và lưu thông, khu Tây Nghệ An như được “ra phố” bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, nơi đây đã bớt đi sự hoang vu vì có bàn tay con người chăm sóc, khai thác. Từ đó nhiều thắng cảnh cũng đã được du khách biết đến hơn, trong các số đó có thác 7 tầng thuộc xã Hạnh Dịch.

Thác 7 tầng huyện Quế Phong

Thác 7 tầng bắt nguồn từ nước Lào chảy vào Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với chiều dài hàng chục km. trong đó tới 7 km là chiều dài của thác với 7 tầng lớn, và vô số các dòng thác nhỏ khác nhau. Cứ một nhịp thác là có một bãi đá được dòng nước trăm năm mài dũa đều đẹp, bằng phẳng, tạo nên sự thân thiện chào đón du khách ghé thăm để nghỉ chân, tắm thác, thực hiện những chuyến dã ngoại với bạn bè, người thân.

Cắm trại, tắm mát bên dòng Thác 7 tầng (Ảnh: Hồ Long)

Mỗi tầng thác được người dân nơi đây ví von như một nốt nhạc trên khuông nhạc khổng lồ, đem tới những cảm xúc khác nhau, khi hồi hộp, lo lắng, khi thỏa mãn, thích thú đến cực điểm. Với chiều dài kỷ lục, cùng địa hình phong phú tại mỗi tầng thác, nơi đây vô cùng lý tưởng cho những người ưa mạo hiểm, thỏa niềm đam mê với thử thách chèo thuyền vượt thác và các trò chơi team building khác.

Chèo thuyền vượt Thác 7 tầng tại Quế Phong, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Thành Cường)

Hùng vĩ là thế, oai phong là thế, nhưng Thác 7 tầng cũng lấy lòng du khách bởi nét đẹp mộc mạc, hoang sơ với dòng nước trong vắt uốn lượn dưới ngọn thác tung bọt trắng xóa lung linh. Khung cảnh đại ngàn với hương vị núi rừng trong lành, tinh khiết khiến bạn nhất định phải một lần “gột rửa bụi trần” khi đến với dòng thác này.

Tắm thác 7 tầng tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Hồ Đình Chiến)

Để có được dịch vụ tốt nhất khi đến tham quan tại Thác 7 tầng như ăn uống, thuê áo phao, thuyền phao, chòi tre,... du khách có thể liên hệ đặt chỗ trước với Công ty Du lịch Lâm Khang qua 2 số hotline: 0914 875 338 - 0989 301 989.

Công ty cổ phần xây dựng & du lịch Lâm Khang - Đơn vị khai thác & quản lý khu du lịch sinh thái Thác 7 tầng.

Thời gian đẹp nhất để đến với Thác 7 tầng vào khoảng tháng Ba đến tháng Bảy hàng năm, lúc thời tiết khô ráo và thuận tiện cho việc di chuyển. Chương trình tham quan của du khách có thể lên lịch trình kết hợp đi các điểm khác nhau ở Quế Phong khác như Sao Va, làng Thái Cổ, thủy điện Hủa Na, đền Chín gian, khám phá rừng Pù Hoạt...

2. THÁC SAO VA

Sao Va trong tiếng Thái nghĩa là 20 sải tay. Qua lời kể của anh Chinh người dân bản địa nơi đây, sự tích thác Sao Va đã có từ lâu, bắt nguồn từ dân tộc Thái. Câu chuyện tình yêu giữa đôi trai gái người Thái. Để cứu chàng trai không may bị trượt chân nơi vùng đá rừng hiểm trở, cô gái đã dùng những chiếc khăn Piêu nối lại để cứu lấy chàng. Nhưng tiếc thay cả hai đã kết thúc một tình yêu đẹp tại nơi này, cảm động vì sự can đảm hy sinh mạng sống cho người mình yêu, thượng đế đã tác tạo một dòng thác trắng xóa, nước chảy mượt mà, yêu kiều như hình dáng cô gái Thái trong sự tích này. Cái tên Sao Va được đặt với ý nghĩa 20 sải tay, dài như chiếc khăn Piêu mà cô gái ấy đã nối lại để cứu chàng trai.

Thác Sao Va nước chảy mượt mà, yêu kiều như hình dáng cô gái Thái

Nếu như thác 7 tầng được dùng những ngôn từ hùng vĩ để miêu tả, thì thác Sao Va lại được ví như “Thác Camly của xứ Nghệ” - nơi dòng thác nhẹ nhàng, êm ái không khác gì nàng thiếu nữ dịu dàng, ngây thơ. Để bảo vệ “nàng thơ”, xung quanh là khung cảnh rừng núi đại ngàn với những tán cây cổ thụ giống như những chàng trai sương gió miền sơn cước.

Dòng thác Sao Va trong xanh giữa đôi bờ cây cỏ núi rừng

Thác Sao Va và thác 7 tầng đều thuộc xã Hạnh Dịch, nơi đây đồng bào Thái sinh sống là chủ yếu. Với những nét văn hóa đặc trưng, xã Hạnh Dịch được Ủy ban huyện tỉnh đưa vào mô hình du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn và khai thác những giá trị văn hóa của đồng bào Thái, đồng thời nâng cao đời sống của bà con nơi đây qua các hoạt động kinh tế, du lịch.

3. LÀNG THÁI CỔ MƯỜNG ĐÁN

Hình thành từ vài trăm năm trước, nhưng đến nay Mường Đán vẫn hiện hữu mộc mạc kiên định với Thời gian. Nơi đây vẫn giữ được nét đặc trưng của người Thái cổ với những ngôi nhà sàn được dựng theo lối kiến trúc xưa, trong đó đa phần mái nhà được lợp bằng gỗ Sa mu - loại gỗ quý thuộc nhóm I trong danh sách các nhóm gỗ Việt Nam. Đặc biệt và thú vị hơn nữa là cách lợp mái bằng gỗ Sa mu vốn được xem là bản sắc của cộng đồng người Mông nhưng lại được người Thái cổ sử dụng.

Làng Thái Cổ - Mường Đán huyện Quế Phong

"Mường Đán" là cái tên chung dành cho hai bản Na Sái và Hủa Mương, Mường Đán trong tiếng Thái nghĩa là “làng khổ”, tên làng miêu tả đời sống của bà con đồng bào nơi đây - khi kinh tế còn khó khăn, giao thông còn ngăn trở, người dân trong làng không phát triển giao thương, chủ yếu tự cung tự cấp qua hoạt động nông nghiệp là chính.

Một góc nhìn khác tại làng Thái Cổ Mường Đán

Cùng nằm trong xã Hạnh Dịch huyện Quế Phong, từ khi có đường Hồ Chí Minh, ngôi làng như được vén màn giữa đại ngàn hoang sơ, làm bao du khách phải trầm trồ khen ngợi bởi kiến trúc độc đáo cổ điển nơi đây.

Nhìn từ trên cao một góc của Mường Đán

Dân tộc Thái đang sinh sống bây giờ vẫn giữ được truyền thống xe tơ, dệt vải, tự may trang phục cho người trong gia đình. Các cô gái Thái không những giỏi việc đồng áng, mà ban ngày lên nương tối về còn ngồi bên khung cửi.

Cô gái Thái bên khung dệt vải tại Mường Đán - Làng Thái Cổ

Với việc phát triển về du lịch cộng đồng theo định hướng của các cấp ban ngành tỉnh Nghệ An, khi du khách ghé thăm “làng khổ” này sẽ có dịp tự mình ngồi bên khung cửi dệt vải, tham gia vào các lễ hội với điệu múa, tiếng khèn, nhảy sạp của đồng bào nơi đây.

Mâm cơm của đồng bào Thái mỗi lần có khách ghé thăm

Nói về ẩm thực Thái thì thêm một câu chuyện dài, bởi sự phong phú và đặc biệt của các gia vị và thành phần làm nên những món ăn truyền thống sẽ làm du khách bất ngờ qua bàn tay nấu nướng của người dân bản địa. Nếu có dịp lên Làng thái Cổ, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong quý khách có thể liên hệ đầu bếp lâu năm ở đây để có được bữa ăn đậm chất Thái nhất qua số điện thoại 0984.373.177 (chị Nhâm).

Hy vọng với điều kiện giao thông đã được đầu tư, nâng cấp, các chính sách ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng từ các cấp lãnh đạo tỉnh Nghệ An, sẽ giúp Quế Phong thay mình trong chiếc áo mới, giúp bà con đồng bào có được cuộc sống ấm no hơn, kinh tế phát triển hơn. Tuy mong mỏi là vậy, nhưng tất nhiên phải có giai đoạn, để làm sao Quế Phong tuy phát triển nhưng vẫn là Quế Phong với bao đời người Kinh, người Thái, người Mông sống hòa vào thiên nhiên, nơi những nếp nhà sàn truyền thống dọc các sườn đồi hay ven bờ suối vẫn ngân nga tiếng núi rừng.

Nguồn: http://vemaybaydatviet.com/que-phong-phong-canh-hung-vi-tho-mong-voi-thac-7-tang-thac-sao-va-va-lang-thai-co-1620.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét